Kỹ thuật trồng cà pháo, cà dĩa, cà tím

1. Thời vụ:

- Cà pháo, cà dĩa  gieo trồng từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau.

- Cà tím gieo trồng từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

2. Giống và chuẩn bị vườn ươm:

- Đối với cà pháo, cà dĩa thường dùng các giống ở địa phương;  

+ Lên liếp ươm cao từ 20 - 25cm.  Hạt cà có vỏ cứng tương đối dày. Vì vậy, để hạt có thể nảy mầm được tốt trước khi gieo hạt cần ngâm hạt trong nước 23-30 giờ, sau đó vớt ra để cho se hạt rồi đem gieo.

 + Khi cây con mọc cần phải luôn giữ ẩm, nếu cây con mọc quá dày nên tỉa bớt, chỉ để lại khoảng cách giữa các cây con là 5-6 cm.

- Các giống cà tím phổ biến hiện nay là các giống F1 như Rolek 039, Echo 072, Swing 086, Lion …, lượng hạt giống để có cây trồng cho 1.000m2 từ 30 - 40 gr. Hạt cần được xử lý bằng nước nóng 50 0C ( 2 sôi, 3 lạnh) trước khi gieo .  

Hạt giống được gieo qua liếp ươm, sau đó chuyển cây non ra trồng trên ruộng.
3. Chuẩn bị đất, trồng cây:

- Không trồng liên tục nhiều vụ cà tím trên cùng một chân đất và không được trồng trên đất đã trồng các loại cây cùng họ như: ớt, cà chua, thuốc lá…, nên luân canh với các cây thuộc họ khác.

- Cây cà phát triển tốt trên các loại đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa, các loại đất dễ thoát nước.

- Lên luống rộng 1 – 1,2 m, cao 20-25 cm.

- Khoảng cách trồng: 60 x 80cm.

- Cây giống đem trồng có thời gian sống trong vườn ươm là 35-45 ngày. Trước khi nhổ cây con đem trồng không nên tưới nước cho cây 5-7 ngày, chỉ tưới ẩm 4-5 giờ trước lúc nhổ cho cây không bị đứt rễ và chóng bén.

4. Chăm sóc:

Bao gồm tất cả các khâu tác động đến cây cà từ sau cấy cho đến khi thu hoạch.

a- Bón phân:

Lượng phân: Đơn vị tính Ha

 

Loại phân Tổngsố Bónlót Bón thúc
Lần 1(7-10NST) Lần 2(20-25NST) Lần 3(40-45NST)
Phân chuồng hoai mục (tấn) 10-15 10-15 / / /
Phân HC vi sinh (kg) 1.000 1.000 / / /
Phân lân vi sinh (kg) 1.000 1.000 / / /
Vôi bột (kg) 1.000 1.000 / / /
Urea (kg) 100   20 40 40
Kali (kg) 80   20 30 30

Lượng phân vô cơ trên có thể tăng hoặc giảm 10-20% tùy theo đất đai, thời tiết, mùa vụ …

b- Theo nước và tỉa cành:

Từ lúc trồng đến lúc ra hoa cần giữ độ ẩm trong đất. Nếu trời nắng tưới ngày một lần, trời râm mát 3-4 ngày tưới một lần. Lúc cà có quả non thì tưới nhiều hơn. Thời kỳ đầu khi cây con mới trồng cần thường xuyên xới đất để đất không đóng váng, tăng độ ẩm cho đất, giúp cho bộ rễ phát triển và cây lớn nhanh. Nhất là sau khi trồng cây con 1 tháng thì vun gốc để thúc cho bộ rễ phát triển, tăng cường sức giữ nước, giữ màu của đất, chống đổ ngã cho cây.

Cây cà sau khi mọc được 7-9 lá là bắt đầu có quả. Lúc đó những nhánh dưới chùm hoa thứ nhất cần tỉa bỏ hết đi. Thường những nhánh này phát triển yếu, hoa quả hình thành chậm. Các cành này thường mọc thẳng đứng làm cho bên trong tán cây rậm rạp, thiếu ánh sáng, tán cây không thông thoáng, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển nhiều. Cần tỉa nhanh kịp thời, chỉ để lại một nhánh gần chùm quả thứ nhất, các nhánh khác cần được tỉa bỏ. Từ thời kỳ giữa đến cuối thời gian sinh trưởng của cây cà mọc thêm nhiều lá ở phía dưới làm cho cây không thông gió và thiếu ánh sáng. Vì vậy, cần tỉa lá kịp thời để thúc mọc thêm nhiều quả.

5. Phòng trừ sâu bệnh

 a- Các loại sâu hại chính:

* Sâu xanh đục trái: Sâu đục vào nụ hoặc trái non, ăn rỗng ở bên trong, làm nụ, quả bị rụng hoặc bị thối.

Phòng trừ: dùng các loại thuốc vi sinh như như nhóm Vi khuẩn Bacillus thuringiensis var. aizawai, hoặc var. kurstaki (Vi BT 32000WP, Biocin 16WP, Aztron 7000DBMU....), Abamectin (Vibamec,Vertimec 1.8EC,…..), Diafenthiuron (Pegasus 500SC), Chlorfluazuron  (Atabron 5 EC ), Spinosad (Success 25SC)…, dùng luân phiên với thuốc hoá học gốc Deltamethrin ( Decis 2.5EC, Delta 2.5EC)...; hoặc dùng các chế phẩm có nguồn gốc  thảo mộc.
        * Sâu ăn lá: Bao gồm các loại sâu như sâu khoang, sâu đo,… là loại sâu ăn tạp, cắn phá hại lá. Để hạn chế tác hại của chúng dùng các loại thuốc như sâu xanh.
        * Sâu xám: Sâu non sống trong đất, ban đêm chui lên cắn phá cây.

Phòng trừ: Làm đất ải và diệt sạch cỏ trên đồng ruộng. Dùng thuốc Diazinon (ViBasu 10H) rãi vào đất theo hàng cây để diệt sâu non.

 *Đối với rầy xanh: dùng một trong các loại thuốc Fenvalerate ( Sumicidin 10, 20EC) , Thiamethoxam (Actara 25WG), Buprofezin (  Applaud 10WP) , …
        b- Các loại bệnh hại chính:

* Bệnh lở cổ rễ: do nấm Rhizoctonia solani Kuhn gây ra.

Nấm này gây bệnh cho cây con lúc ươm và cây nhỏ khi mới trồng. Triệu chứng của bệnh là đoạn thân gần gốc teo thắt lại, có màu đen. Toàn bộ hệ thống mạch dẫn, vỏ cây bị thối và cây bị gãy đổ ngay thân rồi chết.

Cách phòng trừ: Luân canh cà với các cây trồng khác. Vệ sinh đất, không để đất ươm cây con quá ẩm. Khi bệnh xuất hiện, dùng các loại thuốc như: thuốc gốc đồng, Carbendazim (Bavistin 50SC), Propineb (Antracol 70WP), Validamycin (Validacin 5L) để phun.

* Bệnh chết xanh: Do vi khuẩn Pseudomonas malvacearum gây ra. Vi khuẩn này làm cho cây hoặc bộ phận cây bị chết nhưng vẫn giữ màu xanh.

Vi khuẩn gây bệnh làm huỷ hoại, tắt nghẽn các mạch dẫn trong cây. Cũng có trường hợp vi khuẩn làm bộ rễ cây bị thối không hút được nước, cây bị héo và chết.

Cách phòng trừ:

- Cần thâm canh, bón phân đầy đủ cho cây.

- Sử dụng các giống kháng bệnh.

- Kịp thời phát hiện sớm và loại bỏ những cây bị bệnh, đem xa khỏi ruộng và tiêu hủy. Để hạn chế sự lây lan của bệnh, có thể dùng các loại thuốc  như Kasugamycin (Kasumin 2L), Streptomyces lidicus WYEC 108 (Actinovate  1SP), ...

* Bệnh đốm nâu: Do nấm Cladosporium fulvum Cke gây ra.

Vết bệnh xuất hiện trên lá, ban đầu có màu nâu, cuối cùng chuyển sang màu đen. Bệnh lan dần ra toàn mặt lá làm cho lá khô và rụng.

Bệnh ban đầu xuất hiện ở các lá thấp, sau lan dần lên các lá trên. Bệnh phát triển mạnh khi cây ra hoa, hình thành quả và cao nhất lúc quả chín. Cây bị bệnh này có thể chết. Bệnh phát triển nhiều trong điều kiện ẩm 90-95%, nhiệt độ 22-250C. Nguồn lây lan bệnh chủ yếu là tàn dư cây bị bệnh.

Phòng trừ:

- Thu dọn tàn dư cây sau mỗi vụ thu hoạch.

- Luân canh cà với các cây trồng khác họ.

- Kịp thời tỉa cành, tỉa lá, bấm ngọn.

- Dùng các loại thuốc  Mancozeb (Dipomate 80 WP), Bordeaux + Zineb (Copper-zinc 85WP), Mancozeb+Metalaxyl ( Ridomil Gold 68 WP),… để phun khi bệnh xuất hiện nhiều.

 

Chú ý: Để nông sản an toàn trước khi lưu thông trên thị trường tiêu thụ, khi sử dụng các loại thuốc hoá học (tuỳ loại thuốc) cần đảm bảo thời gian cách ly trước thu hoạch .

 

6. Thu hoạch và để giống cho vụ sau:

Không nên để cà quá già làm cho quả bị giảm phẩm chất và cây bị kiệt quệ, ảnh hưởng đến các đợt quả sau. Cách 2-3 ngày thu một lần.

Đối với cà pháo, cà bát khi để hạt giống chọn cây có nhánh to bằng thân chính, cành lá không rậm quá, trên cành có nhiều quả và quả tốt. Chọn lấy những quả mọc ở tầng thứ nhất và tầng thứ hai, những quả đã chín sớm nhiều hạt. Những cây lấy giống chỉ để mỗi cây 1-2 quả. Khi vỏ quả chuyển sang màu vàng, có vết rạn nứt, tai quả hơi cong lên, thu hoạch lúc này là tốt nhất. Thu về để vài ngày, sau đó bổ quả, lấy hạt phơi khô trong râm, cất giữ làm giống cho vụ sau.

Cũng có thể để hạt giống theo cách cổ truyền sau đây: để cho quả cà nhũn ra, bóp hạt vào tro, cho thêm nước trộn thành hỗn hợp tro, hạt, nặn thành nắm và gắn chặt vào tường gần bếp để khô tự nhiên, đến vụ đem bóp vụn và mang gieo. Cách để giống này rất thích hợp với quy mô trồng trọt nhỏ ở gia đình, tự túc cây giống.

www.ninhthuan.gov.vn
Từ khóa : cà pháo, cà dĩa

HTX SƠRI BÌNH ÂN GÒ CÔNG ĐÔNG

138 Kinh Trên, Bình Ân, Gò Công Đông, Tiền Giang Email : soribinhan@gmail.com Web : www.sorigocong.com Điện thoại : 0916 223 776
Hổ trợ online