Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dưa chuột
I. GIỚI THIỆU MỘT SỐ GIỐNG
Dưa chuột là loại giống ngắn ngày thời gian thu hoạch gọn, tập trung nên rất thích hợp cho việc luân canh tăng vụ. Hiện tại có nhiều loại giống dưa chuột khác nhau nhưng cơ bản được chia làm 3 nhóm chính:
1. Nhóm giống dưa chuột có khả năng chịu lạnh(Sinh trưởng và phát dục được ở nhiệt độ từ 15 - 200C). Chủ yếu là các giống dưa địa phương như: Nếp Đăm, Thuỷ Nguyên, Mỹ Văn. Năng suất đạt khoảng 7 - 8 tạ/sào
2. Nhóm giống dưa chuột có khả năng chịu từ hơi lạnh đến mát ấm(sinh trưởng và phát dục ở nhiệt độ từ 18 -280C): Bao gồm các giống dưa như Happy 02 F1, Andaman 883 của Mỹ, C715 của Đài Loan. Năng suất đạt khoảng 1,5 - 2 tấn/sào.
3. Nhóm dưa chuột cókhả năng chịu từ mát đến nóng (sinh trưởng và phát dục ở nhiệt độ từ 22 -350C): Bao gồm các giống dưa chuột có nguồn gốc Thái Lan như: CT179, CT450, CT013, CT103, CT638, Tropical L08 - L09, Đại Địa, Hưng Nông, Chánh Nông. Đây là nhóm dưa chuột được sử dụng với số lượng lớn và rộng rãi nhất.
II. THỜI VỤ GIEO TRỒNG
Ở Việt Nam dưa chuột có thể trồng hầu như quanh năm. Riêng ở miền Bắc chỉ có thể ngừng sản xuất dưa chuột trong 1-2 tháng rét lạnh. Thời vụ gieo trồng dưa chuột ở miền Bắc như sau:
1. Vụ Xuân: Gieo trồng từ 15/2 đến 15/4. Sử dụng các nhóm giống ưa mát và chịu nóng.
2. Vụ Hè: Gieo trồng từ 15/5 đến 15/7. Sử dụng các nhóm chịu nóng.
3. Vụ Thu:Gieo trồng từ đầu tháng 9 đến 15/10. Sử dụng các giống thuộc nhóm chịu nóng và ưa mát.
4. Vụ Đông:Gieo trồng từ 15/12 đến 30/1. Chủ yếu sử dụng các giống dưa chịu rét.
III. CHỌN ĐẤT, LÀM ĐẤT
1. Chọn đất: Dưa chuột có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên khi trồng dưa cần chọn đất chủ động tưới tiêu; đất có tầng canh tác dày, tơi xốp, tốt nhất là đất thịt nhẹ, đất cát pha…
2. Làm đất: Do dưa chuột có bộ rễ chùm phát triển kém, không ăn sâu nên cần làm đất kỹ, tơi xốp, sạch cỏ dại, lên luống cao 30 cm, rộng 1 - 1,2 m, rãnh luống rộng 30 cm.
IV. CHUẨN BỊ GIỐNG: Lượng hạt giống để gieo cho 1 sào: 50 g. Giống dưa lai F1: 30 - 40 g/sào. Nên lựa chọn giống cho phù hợp với chân đất và thời vụ trồng. Hạt trước khi gieo cho ngâm nước, thời gian ngâm khoảng 5 - 6 tiếng, sau đó vớt ra đãi sạch rồi đem ủ bằng khăn ẩm. Khi hạt đã nảy mầm, chọn hạt đã nảy đem gieo.
V. MẬT ĐỘ, KHOẢNG CÁCH: Mật độ trồng 1.200 - 1.300 hốc/sào, mỗi hốc gieo 2 - 3 hạt, sau này để lại 2 cây. Giống lai F1 để 1 cây. Hạt gieo 2 hàng trên luống với khoảng cách 70 - 80 cm, mỗi hốc cách nhau 35 - 40 cm. Luống gieo được đánh thành 2 hàng/luống để gieo hạt. Phân bón lót được bỏ vào hốc, đảo đều và lấp một lớp đất nhẹ. Hạt gieo sâu 1 - 1,5 cm, rắc một lớp đất mịn lên trên sau đó phủ một lớp trấu hoặc rơm dạ lên trên trước khi tưới ẩm lên hạt.
Lưu ý: Nếu phủ rơm dạ, khi hạt mọc lên thì bóc bỏ rơm ra.
VI. BÓN PHÂN, CHĂM SÓC
1. Lượng phân bón sử dụng cho 1 sào:Phân chuồng hoai mục: 400 kg; Đạm Urê: 12 -15 kg; Lân super: 15 - 20 kg; Kali: 7 - 8 kg; Vôi bột: 20 kg/sào, dải đều lên mặt ruộng trước khi lên luống.
2. Cách bón:
a. Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + lân, bón tập trung theo rạch, trước khi gieo trồng phủ đất kín phân chuồng rồi đặt hạt hoặc bầu lên trên.
b. Bón thúc: Phân đạm + kali chia làm 3 lần:
* Lần 1: Khi cây có 3 - 4 lá thật ( sau mọc 7 ngày) bón 3 kg đạm urê hoà với nước phân chuồng tưới cho cây.
* Lần 2: Khi cây sinh trưởng mạnh đến trước khi ra hoa ( lúc này có 9 - 10 lá thật tức là sau gieo trồng 18 - 20 ngày) bón: 5 kg đạm urê + 4 kg kali trộn đều bón theo rạch cách gốc 6 - 10 cm kết hợp xới xáo, làm cỏ, vun gốc cho cây.
* Lần 3: Khi cây bắt đầu ra quả ( lúc này có từ 12 - 14 lá thật là thời kỳ thu lứa quả đầu tiên tức là sau trồng 36 - 38 ngày), tiến hành bón 3 kg đạm urê + 2 kg kali trộn đều bón theo gốc, bón cách gốc 7 - 10 cm rồi xới xáo, vét rãnh vun cao cho cây.
Sau lần bón thúc 3 cứ mỗi lần thu quả tưới nước phân chuồng có hoà 0,5 - 1 kg phân đạm/sào và cứ tưới như vậy cho đến lúc thu quả xong.
3. Chăm sóc
a. Tiả dặm: Khi cây mọc được từ 2 - 3 lá thí tiến hành tỉa, dặm những chỗ mất khoảng.
b. Xới xáo làm cỏ: 3 lần kết hợp cùng các đợt bón phân.
* Lần 1: Khi cây có 3 - 4 lá thật tiến hành xới xáo nhẹ và vun gốc nhẹ.
* Lần 2 : Khi cây có 9 - 10 lá thật sau khi bón thúcc tiến hành xới xáo, làm cỏ kết hợp vét rãnh, vun cao cho cây.
* Lần 3: Khi cây có quả tiến hành bón phân kết hợp với xới, làm cỏ, vun gốc.
c. Tưới nước:
Dưa chuột là cây đòi hỏi tương đối nhiều nước, từ sau khi cây mọc đã phải tưới nước cho cây. Cách tưới:
- Giai đoạn cây con có 3 - 4 lá thật đến 9 - 10 lá thật tưới bằng thùng ô doa hoặc gánh nước tưới, nếu trời nắng, khô hanh tưới một ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều mát.
- Giai đoạn từ bắt đầu ra hoa đến có quả: Nên sử dụng phương pháp tưới nước theo rãnh. Cứ mỗi tuần tháo nước vào rãnh cho ngập lưng rãnh 1 lần để đất luôn đủ ẩm cung cấp nước cho cây.
VII. LÀM GIÀN: Việc làm giàn đối với cây dưa chuột là rất quan trọng góp phần tăng năng suất, tăng phẩm chất quả, giảm bệnh hại... Làm giàn khi cây cao khoảng 30-35cm, làm giàn kiểu chữ A cao. Một sào cần từ 1400 – 1600 cây dèo cao 2m. Cứ mỗi gốc cây cắm 1 cây dèo đứng, 1 giàn có từ 2 - 3 nẹp ngang. Do thân dưa chuột vươn lên rất nhanh nên phải buộc cây vào giàn dọc theo cây dèo, cứ 2 - 3 ngày buộc 1 lần. Làm giàn tốt góp phần làm tăng năng suất từ 20 - 30%.
VIII. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH: Một số loài sâu thường gặp trên cây dưa chuột: Sâu xám, sâu vẽ bùa, bọ trĩ, sâu xanh, bọ rùa vàng. Bệnh thường gặp: Bệnh héo xanh, phấn trắng, sương mai, giả sương mai, héo vàng.
* Sâu xám:Biện pháp phòng trừ: Bắt thủ công hoặc phòng trừ bằng Basudin 10H, Vipam 5H, 10G rắc xung quanh gốc hoặc xử lý trước khi gieo.
* Sâu vẽ bùa (Ruồi đục lá): Sử dụng các loại thuốc như: Crymax, Tập kỳ, Sherpa, Decis, Sadavi, Regent,… Nên thường xuyên thay đổi loại thuốc để tránh làm cho sâu nhanh quen thuốc. Nếu ruộng dưa đã bị sâu gây hại nặng thì sau khi có phun thuốc nên bón bổ xung thêm phân để bồi dưỡng sức cho cây. Để hạn chế độc hại cho người sử dụng bà con nhớ đảm bảo thời gian cách ly của thuốc.
* Bọ trĩ, bọ rùa vàng: Sử dụng các loại thuốc như: Confidor 100SL, Actara, Dantotsu, Regent,…
-Bệnh hại:Ápdụng biện pháp phòng là chính.
Dưa chuột thường bị nhiễm một số bệnh như: Bệnh chết ẻo, lở cổ rễ, sương mai, phấn trắng, đốm lá (vàng lá)... Để phòng trừ các loại bệnh hại cho cây dưa chuột cần chú ý:
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện bệnh kịp thời
- Tiến hành chăm sóc cây đầy đủ để cây sinh trưởng, phát triển tốt đủ sức kháng bệnh.
- Thực hiện chế độ luân canh cây trồng hợp lý, không trồng cây dưa chuột trên đất trồng cây bầu bí hoặc cây họ cà nhiều vụ liên tiếp.
- Thực hiện vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại và tàn dư cây vụ trước.
+ Dùng thuốc phun phòng: Dùng hỗn hợp 20 ml Kasumin + 15 gr Arygreen pha với 10 - 12lít nước phun trên một sào.
Cách phun: Phun lần 1 sau trồng 3 - 5 ngày.Lần 2: Sau lần thứ nhất 7 ngày. Xử lý đất bằng thuốc Somix - T2 có tác dụng: Khi phun vào đất các vi khuẩn có lợi sống lại sẽ tiêu diệt được các vi khuẩn có hại.
- Bệnh chết ẻo:Sử dụng các loại thuốc như: Kasumin, AryGreen, Rhidomil,…
- Bệnh lở cổ rễ: Phun bằng thuốc trừ nấm như: Validacine, Rhidomil, Rampat, ….
- Bệnh sương mai:Dùng Boocđụ 1% hoặc Zineb 80% pha loãng với nước theo nồng độ 0,4% (400g thuốc cho 100 lít nước lã) phun phòng và trừ bệnh. Ngoài ra, có thể dùng Rhidomil MZ 72 WP phun 1 lần, lượng 1,5 kg/ha hoặc Allette 80WP phun 2 lần, lượng 2,0 kg/ha/1 lần phun.
- Bệnh héo vàng:Sử dụng các loại thuốc như: Kasumin, AryGreen, Rhidomil, Copper - B, Benzeb,…
IX. THU HOẠCH, BẢO QUẢN HẠT GIỐNG.
- Quả 7 - 10 ngày tuổi, có thể thu hoạch, nếu để quả già sẽ ảnh hưởng tới sự ra hoa, đậu quả của các lứa tiếp theo, năng suất sẽ giảm. Quả nên thu vào buổi sáng để buổi chiều tưới thúc nước phân. Thời kỳ rộ quả nên thu hoạch quả thường xuyên không để quá lứa hoặc quả già có thể thu mỗi ngày một đợt.
- Để giống: Mỗi cây lấy 3 - 4 quả trên một giống. Sau khi thu lứa đầu quả thương phẩm, để những quả giữa thân làm giống. Các hoa cái khác vặt hết để tập trung dinh dưỡng nuôi quả giống. Quả giống 25 - 35 ngày tuổi, thu về để chín sinh lý 4 - 5 ngày. Bổ dọc quả, lấy thìa con cạo hạt ngâm vào chậu nhựa qua một ngày đêm, sau đó đãi kỹ, phơi 3 - 4 nắng nhẹ. Hạt cất vào lọ, chum vại, dưới có một lớp vôi bột, nắp kỹ, có thể sử dụng sau 3 - 4 năm cất trữ.Các giống lai F1 không để giống cho vụ sau được.