Ngọt ngào sơ ri gò công
Theo tài liệu dinh dưỡng học thì quả sơ ri có nguồn vitamin C rất lý tưởng cho người ăn kiêng. Hàm lượng acid ascorbic trong quả sơ ri đo được từ 1,5 - 3,5 trọng lượng tươi. Một ly nước ép sơ ri 180 ml có thể chứa một lượng vitamin C tương đương 14 lít nước cam ép. Vì vậy, trong công nghệ chế biến thực phẩm, nước ép sơ ri thường được sử dụng để làm tăng hàm lượng vitamin C cho nước ép của nhiều loại quả khác. Nhiều nước như Nhật, Singapor, Hồng Công… đều có nhu cầu nhập khẩu sơ ri dưới dạng tươi.
Như vậy, nhu cầu tiêu thụ sơ ri ở thị trường trong và ngoài nước hiện nay là rất lớn, trong khi sản lượng trái đúng tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ đạt khoảng 5.000 tấn/năm, tức là chỉ bằng ¼ công suất chế biến của hai cơ sở Hiệp Phát và Thịnh Phát.
Trước mắt bà con nhà vườn sơ ri Gò Công, thị trường tiêu thụ đang rộng mở. Nhưng muốn đáp ứng được thị trường này đòi hỏi phải có sự đầu tư của các nhà khoa học cũng như tâm huyết của bà con nhà vườn đối với những sản phẩm do chính tay mình làm ra.
Mặt khác, tạo vùng chuyên canh cây sơ ri đặc sản là chủ trương của tỉnh nên cũng rất cần có một tổ chức Hiệp hội nghề nghiệp để bảo vệ quyền lợi của người sản xuất, đồng thời sớm đăng ký thương hiệu cho sản phẩm. Có như thế mới tạo được niềm tin với đối tác khi họ cần tìm hiểu về nguồn gốc của sản phẩm mà họ đang sử dụng.
Xin chúc bà con nhà vườn Gò Công sẽ sớm xây dựng được thương hiệu cho cây sơ ri, giống như bà con ở Vĩnh Kim, Bình Minh đã thành công từ nhiều năm nay với những thương hiệu như vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi... góp phần đưa trái cây đặc sản của ĐBSCL ra khỏi biên giới quốc gia, góp mặt trên thị trường trái cây thế giới.