Gò Công Đông phát triển thương hiệu sơ ri Bình Ân
Cây sơ ri là cây đặc sản của vùng đất Gò Công, được xác định nằm trong 7 nhóm cây ăn quả đặc sản của tỉnh Tiền Giang. Cây sơ ri dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít bị sâu bệnh, mỗi năm cho trái từ 8 đến 10 đợt, mỗi đợt trái cách nhau chỉ hơn tháng. Năng suất bình quân từ 3 - 3,5 tấn trái/công/năm, mỗi hecta nhà vườn thu được vài chục triệu đồng, đã có không ít hộ vươn lên khá giàu từ cây sơ ri, nhờ đó làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Trên địa bàn huyện Gò Công Đông (GCĐ) cây sơ ri được trồng tập trung chủ yếu ở các xã: Bình Ân, Bình Nghị, Tân Đông và Kiểng Phước. Hiện nay, ngoài 2 loại giống cây sơ ri chua và ngọt trước đây, nông dân còn phát triển thêm giống cây sơ ri Brazin (sơ ri chua nhập nội) với diện tích 45 ha, tập trung ở 2 xã Bình Ân, Tân Đông.
Xã Bình Ân có diện tích trồng sơ ri nhiều nhất 162 ha với 757 hộ canh tác. Tuy nhiên diện tích trồng sơ ri trên địa bàn nhỏ, lẻ, không tập trung, sản xuất không theo quy trình đồng nhất, có những thời điểm sản lượng rất thấp không đáp ứng cho nhu cầu thị trường. Hợp tác xã sơ ri Bình Ân được thành lập vào cuối năm 2008 gồm 28 xã viên tham gia với 8 ha. Tuy nhiên, vào thời điểm này, sơ ri rớt giá thê thảm, không đủ bù đắp cho công thu hái, chăm sóc nên người trồng đốn bỏ để thay các loại cây trồng khác.
Hai năm trở lại đây, do trái sơ ri được thị trường tiêu thụ mạnh, nhất là từ đầu năm 2011 đến nay giá cả ổn định, người dân yên tâm trồng mới, không còn cảnh trồng rồi đốn bỏ. Hiện toàn huyện có diện tích 264 ha, tăng 62 ha so với năm 2009, trong đó HTX sơ ri Bình Ân có 12 ha, số xã viên lên 56 người, tăng 4 ha và 28 xã viên so với ngày đầu thành lập.
Sơ ri đang có giá từ 5.000 đ đến 6.000 đồng/kg, nên xã viên an tâm sản xuất và phát triển diện tích sơ ri giống mới vì lượng trái cung không đủ cầu. Trong 09 tháng vừa qua có nhiều thuận lợi, HTX đã thu mua 95 tấn trái, 03 tháng còn lại phấn đấu thu mua 30 tấn trái, để đạt tổng doanh thu là 600 triệu đồng năm 2011.
Anh Nguyễn Văn Toàn ngụ ấp Kinh Trên, xã viên hợp tác xã cho biết: Từ trước tới nay, gia đình anh chỉ trồng sơ ri, với 4 công đất anh trồng 100 gốc, từ khi vào HTX các xã viên được tạo điều kiện hướng dẫn kỹ thuật, tham gia các mô hình canh tác sơ ri để trồng có hiệu quả hơn. Nếu giá sơ ri ổn định như thế này thì thu nhập người trồng được nâng lên.
Anh Nguyễn Văn Thông, Chủ nhiệm HTX cho biết: Thông qua HTX, được tham gia hội thảo về phòng trị ruồi đục quả, sản xuất theo hướng VIETGAP, hướng xã viên ý thức trong việc sản xuất sơ ri an toàn, và được hỗ trợ về phân bón, thuốc trừ sâu bệnh.
Bên cạnh việc phát triển sơ ri giống mới Braxin và bán buôn tươi, HTX đang tập trung sản xuất và quảng bá đặc sản mứt sơ ri Gò Công và dần được nhiều người biết đến đặt hàng. Trong năm 2010, HTX chế biến và tiêu thụ được 300 hũ từ đầu năm đến nay HTX đã tiêu thụ hơn 520 hũ, phấn đấu trong năm 2012 sản xuất và tiêu thụ khoảng 1.000 hũ mứt sơ ri Gò Công.
Tuy nhiên, để loại trái cây đặc sản này có thị trường ổn định và xuất khẩu sang thị trường các nước thì vấn đề tiêu chuẩn trái an toàn, đạt chất lượng hợp vệ sinh đang là yêu cầu đòi hỏi nhà sản xuất quan tâm thực hiện. Do đó, việc đầu tư phát triển sơ ri sạch và an toàn theo tiêu chuẩn (GAP) là vấn đề chính quyền địa phương rất quan tâm và cần được các nhà khoa học nghiên cứu hỗ trợ cho nông dân, nhằm đảm bảo chất lượng và đầu ra, mang lại giá thành cao, cải thiện đời sống người trồng sơ ri, có như vậy cây sơ ri mới phát triển bền vững.
Huyện đang có các chủ trương, chính sách hỗ trợ cho nông dân vốn để lập vườn cũng như vốn để xây dựng các nhà máy chế biến, các cơ sở thu mua (cho vay với lãi suất thấp, thời gian hoàn vốn từ 3-5 năm để người dân an tâm tổ chức sản xuất); xây dựng các đề tài, dự án liên quan tới công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến, về kỹ thuật trồng, chọn tạo các giống mới....