Kỹ thuật trồng ớt theo VietGAP

Ớt là gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam, để sản xuất được ớt có năng suất, chất lượng và sạch, các bạn thanh niên cần nắm vững kỹ thuật. Chúc các bạn thành công.

 

I. VietGAP là gì?

VietGAP là cụm từ viết tắt các chữ đầu của tiếng Anh: “Vietnamese Good Agricultural Practices”, nghĩa là “Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam”.
 

1. Tiêu chí của VietGAP

- Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất.
 
- An toàn thực phẩm: Thực hiện các biện pháp đảm bảo dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và mức độ nhiễm khuẩn không quá giới hạn cho phép.
 
- Môi trường làm việc của nông dân được đảm bảo.
 
- Truy tìm nguồn gốc sản phẩm được dễ dàng.
 

2. Nội dung của VietGAP quy định

 Đất trồng:
 
Đất để sản xuất không chịu ảnh hưởng xấu của các chất thải công nghiệp, bệnh viện, nghĩa trang, không nhiễm các hóa chất độc hại cho người và môi trường.
 
Phân bón:
 
Chỉ dùng phân hữu cơ như phân xanh, phân chuồng đã ủ hoai mục, tuyệt đối không dùng phân hữu cơ còn tươi. Phân hóa học dùng ở mức độ cần thiết, tối thiểu. Đối với rau ăn lá, phải kết thúc bón trước khi thu hoạch từ 10- 15 ngày. Hạn chế tối đa sử dụng các chất kích thích và điều hòa sinh trưởng cây trồng.
 
Nước tưới:
 
Chỉ dùng nước giếng khoan, nước từ sông suối, ao hồ lớn… không bị ô nhiễm các chất độc hại. Tuyệt đối không dùng trực tiếp nước thải từ khu công nghiệp, thành phố, bệnh viện, khu dân cư, nước ao, mương tù đọng…
 
Phòng trừ sâu bệnh:
 
Phải áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp, chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết. Triệt để sử dụng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc có độc thấp (thuộc nhóm độc III), thuốc chóng phân hủy, ít ảnh hưởng đến các loại sinh vật có ích trên đồng ruộng.
 

II. Kỹ thuật trồng ớt

 1. Yêu cầu sinh thái

 
Ớt là cây ưa nhiệt, nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển là 25- 28 độ C ban ngày và từ 18- 22 độ C ban đêm. Ở nhiệt độ 15 độ C hạt nảy mầm sau 10- 12 ngày, còn cây thì phát triển rất chậm. Ở nhiệt độ trên 32 độ, cây sinh trưởng kém, hoa rụng nhiều, tỷ lệ đậu quả thấp. Ớt cần nhiều ánh sáng, nếu thiếu ánh sáng vào thời kỳ ra hoa, sẽ làm giảm tỷ lệ đậu quả.
 
Ớt chịu được hạn, tuy nhiên ở thời kỳ ra hoa và đậu quả, độ ẩm (đất và không khí) đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành khối lượng và chất lượng quả. Độ ẩm đất thấp (dưới 70%) quả hay bị cong và vỏ không mịn. Ớt không chịu được úng, nếu độ ẩm quá cao (trên 80%) sẽ làm bộ rễ kém phát triển, cây còi cọc.
 

2. Kỹ thuật trồng ớt cay



Một giống ớt cay (Nguồn Internet)
 

a) Chọn đất và làm đất

 Chọn đất bằng phẳng, không ngập lụt, độ pH của đất khoảng 6,0- 6,5, gần nguồn nước sạch, xa vùng có nguồn ô nhiễm như nhà máy, bệnh viện, nghĩa trang, bãi rác. Đất cần được dọn sạch cỏ dại, làm tươi xốp và phơi nắng từ 7- 14 ngày trước khi trồng.
 
Không trồng liên tục nhiều vụ ớt trên cùng một chân đất và không được trồng trên đất đã trồng các loại cây họ Cà như: Cà chua, cà tím, cây thuốc lá.
 
Mức dưới hạn tối đa cho phép của một số kim loại nặng trong đất:
 
TT
Nguyên tố
Mức giới hạn tối đa cho phép
(mg/kg đất khô)
1
Arsen (As)
12
2
Cadimi (cd)
2
3
Chì (Pb)
70
4
Đồng (Cu)
50
5
Kẽm (Zn)
200
 

b) Thời vụ trồng

 
Có thể gieo quanh năm, nhưng nếu trồng xuất khẩu thì gieo vào tháng 9 và thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 6 năm sau. Nhiệt độ tối ưu để gieo hạt từ 21- 32 độ C, có ánh sáng mặt trời.
 

c) Chọn giống và gieo ươm cây con

 
- Một số giống ớt phổ biến: Ớt hiểm lai F1 207, giống số 20, 22, 24, A20…
 
- Phải biết rõ nơi sản xuất hạt giống, hạt không có mầm bệnh, độ sạch bằng hoặc lớn hơn 99%, hạt khác giống nhỏ hơn hoặc bằng 0,2%, độ ẩm nhỏ hơn hoặc bằng 7- 8%. Tỷ lệ nẩy mầm từ 90- 95%.
 
- Đất để ươm cây giống là đất trộn phân tỷ lệ 1: 1, cây ươm trong các túi nhựa, hay trên các khay xốp 98- 130 lỗ với lượng 15- 20g/1.000m2.

 

Trộn hạt giống với lprodione 50%WP 60g cho 1kg hạt giống để phòng ngừa bệnh. Cây giống phải được che bằng giàn có khung đỡ, tránh ánh sáng trực xạ. Khung đỡ rộng từ 1- 2m và cao 40- 50cm, được phủ bằng rơm rạ, hay vật liệu che đậy. Cây cần được tưới nước hàng ngày, hoặc khi cần thiết. Khi cây được từ 15- 30 ngày, có thể đem trồng ra ruộng.
 

d) Lên luống và phủ bạt

 
- Trồng hàng đơn: Luống rộng 1,0- 1,2m; cao 15- 30cm; cây cách cây 50cm.
 
- Trồng hàng đôi: Luống rộng 1,5- 1,6m; cây cách cây 50cm.
 
- Mùa mưa nên làm mương sâu quanh ruộng, lên liếp cao để thoát nước dễ dàng.
 

Phủ bạt: Lên luống xong, phủ bạt bằng plastic có màu ánh bạc ở mặt trên và màu đen ở mặt dưới.

 e) Mật độ trồng

 
- Mùa khô: Khoảng 1.000 cây/sào Trung Bộ (20.000 cây/ha).
 
- Mùa mưa: Khoảng 900 cây/sào Trung Bộ (18.000 cây/ha).
 

g) Phân bón

 
Lượng phân bón cho 1ha ớt như sau:
 
 
Phân bón
Lượng phân (kg)
Lượng bón
Bón lót
Thúc 1
Thúc 2
Thúc 3
Thúc 4
Phân chuồng hoai mục
25.000
100
 
 
 
 
Đạm urê
300
20
10
20
30
20
Lân supe
400- 500
100
 
 
 
 
Kali clorua
300
30
 
20
30
20
Vôi bột (bón khi đất chua)
100
 
 
 
 
 
 
Lưu ý: Bón thúc đợt 1, khi cây hồi xanh; đợt 2, khi cây ra nụ; đợt 3, khi cây ra quả rộ; đợt 4, sau khi thu hoạch đợt 1.
 
Với vườn trồng có che phủ nilong, khi bón cần đục lỗ nhỏ để bón, với vườn không che phủ khi bón cần rạch hàng để bón phân.

 

h) Tưới nước

 
Nguồn nước phải sạch, tưới ngay sau khi trồng và sau khi bón phân.
 
Tưới định kỳ, không để thiếu nước trong giai đoạn cây ra hoa và cho quả.
 
Mức giới hạn tối đa cho phép của một số kim loại nặng trong nước tưới:
 
TT
Nguyên tố
Mức giới hạn tối đa cho phép (mg/lít)
1
Thủy ngân (Hg)
0,001
2
Cadimi (Cd)
0,01
3
Arsen (As)
0,1
4
Chì (Pb)
0,1
 

i) Chăm sóc

 
- Tỉa bỏ toàn bộ chồi ở nách lá bên dưới điểm phân cành đầu tiên khi chồi còn nhỏ. Tỉa bỏ cây bị nhiễm và đốt, nên tỉa vào lúc trờ nắng ráo.
 
- Nếu ớt ra hoa kết quả gần gốc, hái bỏ hết quả non, chỉ để quả từ tầng lá thứ tư trở lên khi tán đã xòe rộng.
 
- Đối với các giống ớt mang nhiều quả nặng, cần cắm cọc (cao 60- 70cm) hoặc chăng dây để giữ cho cây không bị đổ.

 

k) Phòng trừ sâu bệnh

 
Bệnh hại
 
+ Bệnh chết cây con: Phần thânngang mặt đất bị thối, khô có màu nâu sẫm đến đen. Cây nhiễm bệnh lá rũ, có thể bị gẫy, cây chậm phát triển và chết.
 
Phòng trị: Nhỏ bỏ những cây bị bệnh, tạo thoát nước tốt cho vườn và không có bóng râm. Sử dụng phân hữu cơ hoai mục, không bón nhiều đạm và có thể sử dụng thuốc Carbendazim 50WP, Propineb 70WP để phòng trị.

 

+ Bệnh đốm lá: Vết bệnh trên lá hình tròn, màu nâu, chính giữa vết bệnh màu xám nhạt, xung quanh viền xanh đậm. Lá bị bệnh nặng dần đến khô vàng và rụng.
 
Phòng trị: Dọn sạch tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch, cày lật đất sớm. Chú ý bón phân lân và Kali. Ngắt bỏ lá bị bệnh nặng, dùng thuốc Mancozeb (80%WP) để phòng trị.

 

+ Bệnh tán thư: Trên quả khi bị nhiễm bệnh xuất hiện những vết lõm xuống, hình vòng tròn, hơi ướt, vết bệnh có màu nâu nhạt đến đậm.
 
Phòng trị: Thu gom đốt bỏ những trái non nhiễm bệnh, sử dụng giống khỏe, sạch bệnh. Không dùng hạt của quả bị bệnh để làm giống. Xử lý hạt giống bằng nước nóng hoặc thuốc diệt nấm trước khi gieo. Khi cây bị bệnh, phun luân phiên thuốc Antracol 70WP và thuốc Nativo 750WG, hoặc dùng Melody DUO 66,75WP.

 

+ Bệnh héo xanh: Cây héo đột ngột, nhưng lá vẫn còn xanh, rễ và thân cây phần trong bị sũng nước, sau đó chuyển màu nâu. Cây non nhiễm bệnh thì lá trên héo trước, cây già thì lá dưới héo trước.
 
Phòng trị:
Luân canh cây trồng; Luân canh với cây khác họ Cà hoặc luân canh với lúa nước.
Xử lý hạt giống bằng nước nóng 50 độ C trong 25 phút.
Nhỏ bỏ cây bị bệnh đem đi đốt.
Khi phát hiện bệnh (cần phát hiện sớm) có thể dùng các loại thuốc như Kasuran 50WP, Kanamin 47WP… để khống chế bệnh.

 

+ Bệnh héo rũ: Cây bị bệnh, các lá dưới bị vàng trước, sau đó vàng lan lên các lá trên. Triệu chứng héo rũ hoặc biến vàng có thể xuất hiện ở một vài cành trên cây hay cả cây bị nhiễm bệnh các lá bị vàng, héo sau đó cây sẽ chết.
 
Phòng trị: Luân canh trồng cây khác họ; Xử lý hạt giống bằng nước nóng 50 độ C trong 25 phút; bón vôi vào đất trước khi trồng, nhỏ bỏ cây bệnh; Dùng các chế phẩm Trichoder-ma bón vào đất trước khi trồng. Khi bệnh xuất hiện và phát triển có thể tưới nước Copper zinc 85WP, Starner 20WP,…0,5- 1% vào gốc cây mới bị bệnh.

 

Sâu hại

 
+ Sâu đục quả: Trưởng thành đẻ trứng (từng trứng đơn) trên phần non của cây như: Lá, gân lá, mầm non. Sâu non ăn quả non làm ảnh hưởng đến sản lượng và mẫu mã quả.
 
Phòng trị: Nếu sâu phát triển nhiều sử dụng Nuclear pholyhedrois để phòng trị.

 

+ Rệp muội (rầy mềm): Rệp chích hút nhựa làm cho cây chùn đọt, lá cong và xoăn, cây sinh trưởng kém. Nếu mật độ rệp cao có thể làm vàng và khô lá.
 
Phòng trị: Giết bỏ rệp bằng tay hoặc ngắt bỏ các lá bị rệp tấn công. Khi mật độ rệp cao dùng Lamdacyhalotrin (2,5%EC), Henpropatrim (10% ET), Cypermethrin/BPO (5%/25%EC), lmidacoldprid (10%SL) phun trừ.

 

+ Sâu khoang (sâu ăn tạp): Khi mới nở, sâu gây hại tại chỗ, ăn lá, gân, quả; khi lớn sâu phân tán ăn mọi bộ phận của cây, tàn phá cây nhanh chóng. Sâu phá hoại mạnh vào ban đêm, ban ngày ẩn trong đám lá, bụi cỏ hoặc trong đất.
 
Phòng trị: Gom trứng, sâu tiêu hủy. Kiểm tra trứng và sâu, nếu có trung bình 1 ổ trứng, hoặc 1- 2 con sâu trên một cây thì phải phun thuốc phòng trị. Có thể dùng thuốc Trebon, pegasus…, các chế phẩm vi sinh như: NPV, Vi-BT hoặc thảo mộc như Rotenone, Neem.

 

l) Thu hoạch

 
Thu hoạch đảm bảo đúng thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân hóa học, Ớt chuyển màu đỏ ở đỉnh (dùng ăn tươi) và đỏ đều trên quả (dùng để chế biến).
 
Thu hoạch vào buổi sáng, sử dụng dao nhọn cắt quả có cuống không quá 1cm và giữ trong giỏ hoặc thùng sạch.
 
Mức giới hạn tối đa cho phép của một số vi sinh vật và hóa chất gây hại trong sản phẩm hành ớt khi thu hoạch: Hàm lượng nitrat NO3 không quá 400mg/kg, vi sinh vật gây hại, hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc BVTV trong giới hạn cho phép.
 

3. Kỹ thuật trồng ớt ngọt

 a) Các giống ớt ngọt

- Các giống thông dụng, không cay, màu xanh chuyển đỏ khi chín, gồm các giống: Califonia Wonder, Yolo Wonder, Florida VR2; giống Golden Califonia Wonder có màu da cam, vàng khi chín.
 
- Nhóm Pimiento: Không cay, quả to, hình tím, xanh, chuyển đỏ khi chín, phẳng, dày thịt: Pimiento Select, Pimiento Perfection…



Một giống ớt ngọt (Nguồn Internet)
 
- Nhóm bí hoặc Phomát: Quả ngắn, rộng, tròn, thịt quả trung bình hoặc dày, không cay, hơi xanh hoặc vàng đến chín đỏ: Cheese, Yellow Cheese, Gambo.
 

b) Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm

 
- Sản phẩm đảm bảo yêu cầu chất lượng, không bị dập nát, ôi thối.
 
- Hàm lượng nitrat (N03) không quá 200mg/kg sản phẩm.
 
- Hàm lượng kim loại nặng và dư lượng thuốc trừ sâu trong phạm vi cho phép.
 
- Không bị nhiễm khuẩn và các vi sinh vật khác gây hại cho người và gia súc.
 

c) Thời vụ

 
Ớt ngọt là cây ưa nhiệt độ ôn hòa, hơi lạnh khoảng 20 độ C. Thời vụ tốt nhất để trồng là vụ Đông Xuân. Gieo hạt vào tháng 9, trồng cây con trong các tháng 10, 11; thu hoạch quả vào tháng 1, 2 năm sau.
            

d) Vườn ươm

 
- Có thể gieo hạt liền chân, nhưng tốt nhất là làm vườn ươm hạt để trồng. Ngâm nước nóng từ 45- 50 độ C từ 10- 15 phút, sau đó ngâm trong nước lạnh khoảng 7- 8 giờ.
 
- Gieo 4- 5g hạt/1m2, gieo xong ủ rơm rạ và giữ ẩm thường xuyên cho cây con. Thời kỳ này, phòng trừ sâu bệnh chủ yếu bằng biện ânpháp canh tác.
 
- Tiêu chuẩn cây con: Mập, lá xanh, dày, bộ rễ phát triển, không sâu bệnh.
            

e) Làm đất

- Ớt ngọt ưa đất cát pha, đất thịt nhẹ, có thể trồng trong vụ đông trên đất 2 lúa, tránh trồng sau các vụ khoai tây, cà chua. Nếu trồng thuần, đất được để ải 10- 15 ngày thì tốt, sau khi cày bừa kỹ cần được lên luống để trồng.
 
- Chọn đất cao ráo, dễ thoát nước, cày bừa kỹ, nên trồng luân canh với cây lúa nước hoặc cây khác họ.
 
- Luống rộng 1,2m; cao 25- 30cm; rãnh rộng 25cm.
 
Mức giới hạn tối đa cho phép của một số kim loại nặng trong đất như đối với cây ớt cay.
 

g) Khoảng cách, mật độ trồng

Khoảng cách giữa hai hàng: 35- 50cm, hốc cách hốc 20cm. Nếu trồng xen với các loại cây trồng khác thì hốc cách hốc 50cm và để cây con cao 10- 15cm thì mới đem đi trồng.
Mật độ: 36.000- 40.000 cây/ha (1.800- 2.000 cây/sào Trung Bộ). Trồng xong phải tưới nước giữ ẩm.
    

h) Phân bón, tỉa cành, làm cỏ

+ Phân bón:
 
 Lượng phân bón cho 1ha trồng ớt như sau:
 
 
Phân bón
Lượng phân (kg)
Lượng bón (%)
Bón lót
Thúc 1
Thúc 2
Thúc 3
Thúc 4
Phân chuồng hoai mục
30.000
100
 
 
 
 
Đạm urê
400
20
20
20
20
20
Lân supe
500- 600
100
 
 
 
 
Kali clorua
400
30
 
20
30
20
Vôi bột (bón khi đất chua)
500- 800
100
 
 
 
 
 
Ghi chú:
- Bón thúc đợt 1: Sau trồng 10- 15 ngày.
- Bón thúc đợt 2: Sau trồng 25- 30 ngày.
- Bón thúc đợt 3: Khi cây ra quả rộ.
- Bón thúc đợt 4: Sau khi thu hoạch quả đợt 1.
Có thể sử dụng phân bón hỗn hợp có hàm lượng tương đương. Ngoài ra, tùy điều kiện có thể bón thêm các loại phân bón như: Trichoderma (10kg/ha), Nitrophoska tím 15:5:20+2+T.E với lượng 500kg/ha.
 
+ Tỉa cành, làm cỏ:
 
Với những giống có nhiều cành thì tỉa bớt, chỉ để lại mỗi cây 3- 4 cành. Thường xuyên tỉa bỏ lá già, lá bị bệnh dưới gốc.
 
Làm cỏ, xới xáo,vun gốc: Với ruộng không phủ ni lông làm cỏ 3 lần, kết hợp với bón phân và vun gốc.
 

h) Tưới nước

 
Sau khi trồng phải tưới nước hàng ngày cho đến khi cây hồi xanh. Nước tưới phải đảm bảo không bị ô nhiễm, có thể tưới rãnh khi cây đã ra hoa. Độ ẩm thích hợp trong suốt thời gian sinh trưởng của ớt là 75- 80%. Không để ruộng quá ướt, sẽ làm tăng tỷ lệ bệnh héo xanh.
 
Mức giới hạn tối đa cho phép của một số kim loại nặng trong nước như đối với ớt cay.
Phòng trừ sâu bệnh, như đối với ớt cay.
 

k) Thu hoạch

 
Xác định thời điểm thu hoạch đối với ới ngọt rất quan trọng, vì thu hái nếu quả còn non thì thịt quá mỏng, không ngon và năng suất kém, nếu thu già cũng kém chất lượng và không phù hợp với thị hiếu khách hàng. Thời gian thu hoạch thường kéo dài từ 6- 8 tuần.
 
Nếu thu hoạch phục vụ cho việc sấy khô, hay sản xuất hạt giống thì phải để quả chín đỏ hẳn. Thông thường khoảng 35- 40 ngày sau khi hoa nở thì có thể thu được quả ở hầu hết các giống.
 
Trước khi thu hoạch, để hạn chế lây nhiễm bệnh khảm thuốc lá ở ớt nên khử trùng dụng cụ trong dung dịch 3% Na3PO4.
 
Bảo quản: Có thể bảo quản 40 ngày ở nhiệt độ 0 độ C và ẩm độ tương đối 95- 98%. Hàm lượng caroten tăng cực đại ở 3- 4 tuần sau thu hoạch.
 
 
Nguồn: Dự án Khoa học công nghệ nông nghiệp No.2283- VIE(SF)

HTX SƠRI BÌNH ÂN GÒ CÔNG ĐÔNG

138 Kinh Trên, Bình Ân, Gò Công Đông, Tiền Giang Email : soribinhan@gmail.com Web : www.sorigocong.com Điện thoại : 0916 223 776
Hổ trợ online